DẪN NHẬP

 

Sơ đồ và mục đích

 Tôi viết những bài này với mục đích đặc biệt, với phương pháp đặc biệt và với tinh thần cũng đặc biệt. Mục đích tôi nhắm là ủi an chữa trị và tạo hy vọng cho bao trái tim, đem chân lý và nguồn sáng cho bao tâm trí, đem điều thiện, sức mạnh và lòng quyết tâm cho mọi ý chí. Phương pháp tôi đề nghị ở đây chẳng qua chỉ là áp dụng các nguyên tắc luân lý và thiêng liêng trường cửu vào những vấn đề căn bản thuộc đời sống cá nhân cũng như xã hội của thời đại hôm nay. Còn tinh thần thấm nhuần xuyên suốt các đề tài này thực ra cũng không gì khác ngoài tinh thần bác ái: mến Chúa yêu người. Như thế, qua lời phi lộ này tôi muốn công bố những trọng điểm của cuốn sách như sau:

 

Thứ nhất: lưu tâm đến tình hình chính trị thế giới hôm nay, chúng ta thấy con người hiện đang bị cai trị chứ không phải đang nắm quyền cai trị. Tính cách phức tạp của nền văn minh hiện đại ép buộc chúng ta phải tự tổ chức thành những đơn vị ngày càng rộng lớn hơn, và vì quá lo cai trị những gì ở bên ngoài rốt cuộc chúng ta lơ là việc quản trị chính bản thân mình. Thế mà phải nói ngay rằng chìa khoá giúp xã hội thăng tiến chỉ có thể tìm thấy nơi sự thăng tiến cá nhân. Cải tạo con người tức là đã cải tạo thế giới nơi con người sống. Chúng ta cần khẩn thiết phục hồi lại cho con người lòng tự trọng và trao ban cho con người niềm danh dự thích đáng, điều này sẽ giữ cho con người không hèn hạ cúi mình trước những kẻ hăm doạ đòi nô lệ hoá nó, đồng thời ban cho con người lòng can đảm dám bênh vực lẽ phải, nếu cần thì vẫn dám chấp nhận đơn độc, mặc cho thế giới chung quanh toàn làm điều sai quấy.

 

Thứ hai: Xã hội do con người tạo thành, và tới phiên mình con người lại được tạo thành do những tư tưởng, quyết định và chọn lựa của họ. Không một sự gì từng xảy đến cho thế giới mà trước hết không từng được ấp ủ trong tâm trí một ai đó, chẳng hạn có xây nên toà nhà chọc trời thì chẳng qua cũng chỉ nhằm chu tất giấc mơ của nhà kiến trúc. Ngay cả chất liệu làm nên cái tôi vật lý của chúng ta cũng là đầy tớ của tư tưởng chúng ta, như các nhà tâm lý học từng cho thấy thân xác chúng ta mệt mỏi có thể chỉ vì tâm trí chúng ta bị mệt mỏi. Khi thân xác âu lo, xao xuyến sợ hãi chán nản, thì mệt mỏi tâm trí sẽ trở thành mệt mỏi thể lý.

 

Lý do nền tảng khiến tâm trí mỏi mệt chính là sự xung đột nơi chúng ta: xung đột giữa lý tưởng và sự hoàn tất, giữa cái chúng ta phải là và cái chúng ta đang là, giữa khát vọng và hiện thực, giữa năng lực hiểu biết của ta và mầu nhiệm khôn thấu của vũ trụ. Căn nhà bị phân cách làm sao đứng vững được! Cần phải nhìn nhận sự căng thẳng này nơi con người là cố hữu, đồng thời nhìn nhận rằng để giúp con người chịu đựng được căng thẳng ấy thì chỉ có phương cách duy nhất là bắt mình qui phục Thiên Chúa. Và từ đó, dẫu có gì xảy đến thì chúng ta cũng đón nhận như quà tặng của tình yêu; không gì có thể khiến chúng ta ngã lòng nữa vì chúng ta không còn giữ lại cho mình ý muốn ích kỷ đòi này hỏi nọ nữa.

 

Xã hội chỉ có thể được cứu rỗi nếu con người được cứu khỏi những xung đột hầu như không thể chịu nổi của mình, tuy nhiên con người chỉ có thể thoát được các xung đột ấy một khi linh hồn họ được cứu rỗi. Cách đây không lâu, con người từng đặt niềm hy vọng hạnh phúc của họ vào tiến bộ vật chất, giờ đây thì tâm thức lạc quan nông cạn ấy đã chấm dứt rồi; gánh nặng âu lo xao xuyến về tương lai nòi giống và cá nhân đã khiến con người phải ý thức đến linh hồn mình.

 

Thứ ba: Hạnh phúc chúng ta hệ tại việc chu toàn mục đích cuộc đời của mình. Mỗi người đều biết rõ là khi tạo dựng con người, Chúa đã phú cho họ khả năng tìm kiếm ba điều sau đây, và cơn đói khát ba điều này luôn dày vò tâm trí chúng ta: trước hết ai trong chúng ta cũng mong sống, dĩ nhiên chẳng phải là thêm vài ba phút mà là được sống vĩnh cửu, sống mà không sợ tuổi tác hay bệnh hoạn đe doạ; thứ đến chúng ta mong nắm được chân lý, dĩ nhiên không chỉ các chân lý toán học, địa lý… mà là toàn bộ chân lý; và cuối cùng ai trong chúng ta cũng mong ước tình yêu, không phải thứ tình yêu bị thời gian giới hạn, bị pha trộn với nỗi chán ngấy và cơn mộng vỡ mà là thứ tình yêu đạt đến trạng thái xuất thần ngây ngất.

 

Không thể tìm được ba điều ước muốn trên đây một cách viên mãn trong cuộc đời này bởi vì ở trần gian này, cuộc sống luôn bị thần chết dõi bóng, chân lý luôn bị pha lẫn lạc lầm, tình yêu luôn hoà chung niềm căm ghét. Tuy nhiên ai cũng biết rằng nếu không bao giờ có thể đạt được những niềm ước mơ đó thì chắc con người đã không thèm mơ ước gì. Vì thế bẩm sinh là con vật có lý trí, con người luôn gắng tìm kiếm cội nguồn từ đó phát sinh ra những cấp độ bất toàn pha tạp liên quan đến Sự sống, Tình yêu và Chân lý.

 

Đây là sự kiếm tìm y hệt sự kiếm tìm ánh sáng trong một căn phòng: ánh sáng ấy không thể đến với đêm đen và bóng mờ. Ánh sáng ấy chỉ có thể đến từ mặt trời, nơi đó ánh sáng tinh tuyền không hề bị bóng mờ và đêm đen ảnh hưởng. Trên đường tìm kiếm nguồn mạch Tình yêu, Ánh sáng và Chân lý, như chúng ta biết, chúng ta phải băng qua các giới hạn của thế giới mờ tối này mới mong đạt được thứ Chân lý tinh tuyền không bị trộn lẫn với bóng mờ của nó là sự sai lầm, mới mong đạt được Tình yêu không bị pha trộn lẫn với bóng mờ của nó là lòng thù ghét. Chúng ta phải tìm kiếm sự sống trinh nguyên, chân lý tinh tuyền và tình yêu thuần khiết. Và những điều này lại chính là nằm nơi định nghĩa về Thiên Chúa. Ngài vừa là Sự sống mật thiết của Ngôi Cha, vừa là Chân lý mật thiết khả thông nơi Ngôi Con vừa là Tình yêu sâu đậm thiêng liêng nơi Thần Trí.

 

Khi hội đủ số người kiếm tìm con đường dẫn đến hạnh phúc này thì con người sẽ gặp được nhau trong tình huynh đệ. Và lúc đó xã hội sẽ có được hoà bình.

 

Fulton J.Sheen